CHÚ Ý KHI LẬP BÁO CÁO TÀI CHÍNH 2017
===============================
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là hết năm tài chính rồi. Kế toán chúng ta lại bắt đầu bước vào công cuộc lập báo cáo tài chính và quyết toán thuế. Vậy khi lập báo cáo tài chính cần chú ý những gì? Ke Toan Phuong  Oanh chia sẻ với các bạn bài viết sau:
Vì số liệu để lấy lên báo cáo tài chính là số liệu thể hiện trên từng tài khoản của kế toán. Khi lập báo cáo tài chính các bạn chú ý kiểm tra/ dò tài khoản theo thứ tự từ bé tới lớn để không sót tài khoản kế toán. Cụ thể các bạn sẽ dò từ TK loại 1- Loại 9 như sau:
Tài khoản loại 1:
Tiền Mặt :
- Kiểm tra xem chứng từ thu chi của doanh nghiệp đã đầy đủ chưa? Tồn quỹ tiền mặt có bị âm không? để điều chỉnh lại cho đúng.
 Tiền ngân hàng :
- Công ty có mở bao nhiêu tài khoản ngân hàng thì lấy bấy nhiêu sổ phụ về để lưu chứng từ kế toán và hạch toán. Số dư trên TK112 của từng ngân hàng phải khớp với số dư tại ngày 31/12 trên sao kê của từng ngân hàng.

Thuế GTGT được khấu trừ:
- Kiểm tra số dư tài khoản 1331 trên sổ chi tiết tài khoản so với chỉ tiêu 43- Thuế GTGT còn được khấu trừ chuyển kỳ sau như thế nào?
- Nếu số dư TK1331 = chỉ tiêu 43 trên tờ khai thuế GTGT tức là hóa đơn chứng từ phát sinh tháng nào kế toán kê khai thuế đúng tháng đó.
- Nếu số dư TK1331 khác chỉ tiêu 43 trên tờ khai thuế GTGT tức là đang kê khai thừa hoặc sót hđ đầu vào so với tờ khai, xem lại.

Công nợ phải thu của khách hàng:
- Số liệu trên các sổ chi tiết phải thu phải khớp với số liệu trên sổ tổng hợp công nợ phải thu và phải khớp với số liệu trên sổ cái tài khoản 131. Đồng thời số liệu từng khách hàng phải khớp biên bản đối chiếu công nợ giữa 2 bên (công ty với khách hàng).

Tạm ứng :
- Kiểm tra lại số liệu tạm ứng trong năm đã đầy đủ hồ sơ hoàn ứng chưa? Nếu chưa thì bổ sung cho đầy đủ, đối tượng nào chưa hoàn ứng thì thu lại hoàn ứng.
Hàng tồn kho:
- Số liệu trên các sổ chi tiết hàng phải khớp với sổ tổng hợp tồn kho

- Kiểm tra xem số lượng hàng đã nhập kho đầy đủ chưa?
- Khi xuất kho kế toán đã tính giá xuất cho hàng xuất kho chưa?
- Kho vật tư của công ty có đang bị âm mặt hàng nào không, không để tình trạng này xảy ra (Tức là xuất kho nhiều hơn số lượng còn tồn trong kho)
Chi phí trả trước:
- Kiểm tra số liệu trên bảng phân bổ CCDC khớp với số dư tài khoản  242 trên Bảng cân đối số phát sinh và khớp với sổ cái TK242.
Tài sản cố định:
- Công ty đã đăng ký phương pháp trích khấu hao đầy đủ chưa?

- Số tài sản cố định của công ty đã được trích khấu hao đầy đủ chưa?
- Hồ sơ về tài sản cố định đã đầy đủ chưa?
Với những tài sản cố định như là xe ô tô thì cần phải sang tên đổi chủ nữa.
- Đối chiếu sổ trích khấu hao TSCĐ khớp với số dư TK 214 trên Bảng CDPS và khớp với số dư của sổ cái TK214.

Công nợ phải trả nhà cung cấp:
-  Số liệu trên các sổ chi tiết phải trả phải khớp với số liệu trên sổ tổng hợp công nợ phải trả và phải khớp với số liệu trên sổ cái tài khoản 331. Đồng thời số liệu từng nhà cung cấp phải khớp biên bản đối chiếu công nợ giữa 2 bên (công ty với nhà cung cấp).
 Thuế và các khoản phải nộp Nhà Nước:
- Kiểm tra xem thuế môn bài năm đã hạch toán và đã nộp chưa? Chứng từ nộp thuế môn bài đã đầy đủ chưa?
- Số liệu trên sổ cái TK333 đã khớp với số liệu trên bảng CDSPS chưa? 

- Thuế GTGT phải nộp phát sinh trong năm đã khớp với số liệu trên bảng kê bán ra chưa?
- Chứng từ nộp thuế GTGT đã đầy đủ chưa?
- Kiểm tra chứng từ nộp thuế TNCN nếu có. Đối chiếu số liệu khớp đúng của TK3335 trên sổ cái TK3335 với số liệu trên bảng CDSPS
- Rà soát lại thuế TNDN, nếu hàng quý doanh nghiệp có thực hiện tạm nộp thuế TNDN: Nợ TK3334, Có TK111, 112 để điều chỉnh với bút toán hạch toán chi phí thuế TNDN cuối năm Nợ TK821, Có TK3334.
- Kiểm tra xem chứng từ nộp thuế TNDN đã đầy đủ chưa?
- Cuối năm nên đến cơ quan thuế quản lý công ty mình để xin số liệu công nợ về đối chiếu cho chắc chắn!
Lương, và các khoản trích theo lương.
- Hồ sơ lương (Chứng minh thư nhân dân, hợp đồng lao động…) đã đầy đủ chưa? Để làm quyết toán thuế TNCN.
- Hạch toán số liệu lương đã đầy đủ chưa?
- Trong năm có phát sinh các khoản trích theo lương không (Bảo hiểm, kinh phí công đoàn) đã hạch toán đầy đủ chưa?
- Số liệu về bảo hiểm đã khớp với số liệu trên tờ thông báo của cơ quan bảo hiểm chưa? (kế toán nên đến cơ quan bảo hiểm để lấy thông báo hàng tháng về đối chiếu) Các khoản vay và nợ thuê tài chính
- Số liệu trên sổ cái tài khoản 341 đã khớp với số liệu trên bảng cân đối số phát sinh và khớp với số dư tiền vay tại ngày 31/12 trên sổ tiền vay của từng ngân hàng chưa?
- Với các khoản vay mượn nội bộ trong trường hợp tiền mặt tại quỹ âm nhiều thì nếu tại ngày 31/12 của năm còn tồn nhiều thì nên trả bớt để giảm công nợ vay.

Nguồn vốn chủ sở hữu:
- Hồ sơ góp vốn (biên bản họp về góp vốn, giấy chứng nhận góp vốn cho từng thành viên…) đã đầy đủ chưa?
- Trong năm có tăng/ giảm vốn điều lệ không? hồ sơ đã đầy đủ chưa?
- Số liệu trên sổ cái tài khoản 411 khớp đúng với số dư trên tài khoản 411 trên bảng CDSPS chưa?
Doanh thu: 
Rà soát lại cái khoản doanh thu chịu thuế TNDN:
- Doanh thu bán hàng.

- Doanh thu dịch vụ
- Doanh thu hoạt động tài chính.
- Thu nhập khác.
**Chú ý: Phần chênh lệch lãi tỷ giá được hạch toán vào tài khoản 515 cũng là doanh thu chịu thuế TNDN.

Giá vốn:
- Đối với công ty sản xuất kiểm tra lại định mức NVL, số liệu NVL đầu vào đã lấy đủ đúng so với định mức chưa? 
- Chi phí liên quan tới thành phẩm đã tập hợp và kết chuyển đầy đủ chưa?
- Kiểm tra lại số liệu giá vốn khi xuất hàng hóa đã tính đầy đủ chưa? Tránh TH hạch toán doanh thu mà giá xuất quên không tính sẽ làm mất chi phí hợp lý.
- Kiểm tra lại toàn bộ giá vốn đã được hạch toán, cập nhật và kết chuyển đầy đủ chưa?
- Kiểm tra xem tỷ lệ Giá vốn/ Doanh thu là bao nhiêu % xem có hợp lý không? Nếu cao quá hoặc thấp quá thì cần xem xét lại xem đang tính sai phần nào/
- Đối chiếu % với số liệu năm trước xem có biến động bất thường không? để tìm nguyên nhân, xử lý.
Chi phí tài chính:
- Kiểm tra tính hợp lý của chi phí lãi vay phát sinh trong năm. Nếu phần chi phí lãi vay do vay ngân hàng mà tiền mặt tại quỹ lại còn tồn nhiều hoặc vốn điều lệ chưa góp đủ dễ phần chi phí lãi vay này sẽ bị loại một phần hoặc toàn bộ nếu kế toán không giải trình được hợp lý.
- Chi phí tài chính về đánh giá chênh lệch lỗ tỷ giá cũng được tính vào chi phí hợp lý trong kỳ.
- Số liệu trên tờ sổ cái tài khoản 635 khớp với số liệu trên bảng cân đối số phát sinh không?

Chi phí bán hàng, chi phí Quản Lý:
- Các chi phí phát sinh đã có hóa đơn chứng từ hợp lý, hợp lệ chưa?
- Số liệu trên sổ cái tài khoản 641, 642 đã khớp với số liệu trên bảng cân đối số phát sinh chưa?
Các bút toán kết chuyển cuối kỳ và lập báo cáo tài chính.
- Rà soát lại xem tất cả các bút toán kết chuyển cuối kỳ đã được thực hiện chưa?

- Các tài khoản từ đầu 5- đầu 9 có còn số dư không?
- Số liệu hai bên Nợ, Có (số dư đầu kỳ, số phát sinh trong kỳ, số dư cuối kỳ) có bằng nhau không?
- Tổng số phát sinh trên bảng cân đối số phát sinh có bằng số tổng cộng trên sổ nhật ký chung không?
***Đối chiếu số liệu khớp đúng báo cáo tài chính:
- Bảng cân đối kế toán (B01-DN) Tổng tài sản= Tổng nguồn vốn
- Bảng Báo cáo kết quả kinh doanh (B02-DN): Tổng lợi nhuận kế toán sau thuế TNDN= Số liệu trên số cái TK421
- Bảng lưu chuyển tiền tệ (B03-DN): Chỉ tiêu tiền và các khoản tương đương tiền cuối kỳ phải bằng chỉ tiêu tiền và các khoản tương đương tiền trên Bảng cân đối kế toán.
- Thuyết minh BCTC (B09-DN): Diễn giải một cách chi tiết các khoản mục sao cho số liệu chi tiết phải khớp với số liệu tổng hợp trên BCĐKT và BCKQKD.
- Quyết toán thuế TNCN người lao động phải có đầy đủ chứng minh thư, MST
- Quyết toán thuế TNDN năm nếu có lãi, thì phải làm thêm phụ lục 03-2A- TNDN để chuyển lỗ năm trước sang (theo nguyên tắc toàn bộ và liên tục, không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ).
 
==> Hy vọng với bài viết này sẽ giúp ích được phần nào trong việc lập BCTC năm 2017 của mình